Di sản William_James_Sidis

Sau khi William qua đời, cô em gái của ông tuyên bố về chỉ số thông minh của anh trai, nó được ghi trong cuốn sách Psychology for the Millions của Abraham Sperling năm 1946 là "mức cao nhất từng ghi nhận",[1] nhưng sau đó các tác giả nhận thấy rằng một số người viết tiểu sử về William, như Amy Wallace đã phóng đại mức độ IQ và những gì Sperling thực sự đã tuyên bố.[2] Sperling thực ra đã viết:[1]

Helena Sidis nói với tôi rằng một vài năm trước khi qua đời, anh trai cô, Bill, đã kiểm tra trí thông minh với một nhà tâm lý học. IQ của ông là số điểm cao nhất từng ghi nhận. Về mặt chỉ số IQ, nhà tâm lý học kể lại rằng con số ước chừng sẽ là giữa khoảng 250 và 300. Cuối đời William Sidis đã làm bài kiểm tra trí thông minh tổng quát ứng tuyển vào vị trí công chức dân chính ở New York và Boston. Những điểm số phi thường của ông là chứng nhận kỷ lục.

Người ta nhận thấy rằng Helena và mẹ cô, bà Sarah thường khuếch trương danh tiếng bằng các tuyên bố phóng đại về gia đình nhà Sidis.[2] Helena cũng tuyên bố sai rằng kỳ thi công chức dân chính mà William tham dự năm 1933 là một bài kiểm tra IQ và xếp hạng điểm số IQ là 254.[2] Theo suy đoán về con số "254" thực chất là thứ tự tên William trên danh sách sau khi ông vượt qua kỳ thi, như ông đã nêu trong lá thư gửi cho gia đình.[13] Cô em gái Helena cũng tuyên bố rằng "anh trai Billy biết tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, trong khi cha tôi chỉ biết 27. Tôi luôn tự hỏi liệu có thứ gì mà anh Billy không biết không."[2] Tuyên bố này không được chứng thực từ bất kỳ nguồn nào ngoại trừ gia đình nhà Sidis, thêm vào đó bà Sarah Sidis cũng đưa ra một tuyên bố không tưởng trong cuốn sách The Sidis Story (1950) của bà rằng con trai William có thể học 1 ngôn ngữ chỉ trong một ngày.[2] Ông Boris Sidis từng một lần bác bỏ các bài kiểm tra IQ là "ngu ngốc, giả tạo, vô lý và lừa dối trắng trợn".[14]

Cuộc đời và sự nghiệp của William Sidis, đặc biệt là những ý tưởng về thổ dân châu Mỹ, được thảo luận rộng rãi trong cuốn sách Lila: An Inquiry into Morals của Robert M. Pirsig (1991). Sidis cũng được nhắc đến trong cuốn tự truyện có tên Ex-Prodig của nhà toán học Norbert Wiener (1894-1964), cũng là một thần đồng và một người đồng niên của Sidis tại Harvard.

Một tác giả Đan Mạch là Morten Brask đã viết một cuốn tiểu thuyết hư cấu dựa trên cuộc đời của Sidis; The Perfect Life of William Sidis được xuất bản ở Đan Mạch vào năm 2011. Một cuốn tiểu thuyết khác dựa trên tiểu sử của William đã được xuất bản bởi tác giả Đức Klaus Cäsar Zehrer năm 2017.[15]

Thảo luận về giáo dục

Cuộc tranh luận về cách thức nuôi dạy của gia đình Sidis đã diễn ra tại một buổi tọa đàm cởi mở về cách thức tốt nhất để giáo dục trẻ em. Các tờ báo chỉ trích phương pháp nuôi dạy con của ông Boris Sidis. Hầu hết các nhà giáo dục hôm đó đều cho rằng các trường học nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với trải nghiệm đời thường để nuôi dưỡng trẻ thành người công dân có ích. Hầu hết các nhà tâm lý học cho rằng trí thông minh là di truyền, một quan điểm hướng tới xóa bỏ giáo dục mầm non tại nhà.[16]

Những khó khăn mà William gặp phải trong việc ứng phó với môi trường xã hội khi bắt đầu vào đại học có thể đã tạo quan điểm không nên cho phép những đứa trẻ thần đồng bước chân vào đại học quá sớm trong thời của William. Nghiên cứu thì chỉ ra rằng một chương trình giáo dục mang tính kích thích có thể hạn chế bớt những khó khăn về mặt xã hội và cảm xúc mà trẻ thiên tài thường gặp phải.[17] Đi theo những phát hiện này, một vài trường đại học hiện nay có các thủ tục với nhập học sớm. Viện Nghiên cứu Phát triển Tài năng sớm Davidson đã phát triển một sách hướng dẫn về chủ đề này.[18]

William Sidis bị nhạo báng trên báo chí thời đó. Ví dụ trên The New York Times, miêu tả ông là "kết quả thành công tuyệt vời của một thí nghiệm khoa học ép buộc".[19]